Thứ nhất, đây là bộ phim đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Kim Yong Hwa với màn ảnh rộng sau bốn năm, kể từ ngày bộ phim gần nhất là Take Off (2009) ra mắt khán giả. Dù gia tài làm phim chỉ mới có bốn tác phẩm (tính luôn cả Mr. Go), nhưng Kim Yong Hwa đã được nhiều fan điện ảnh tại Hàn Quốc đặt cho mệnh danh là “người công phá phòng vé”, bởi hầu hết các bộ phim của Kim Yong Hwa đều đạt mức doanh thu vượt xa mong đợi. Trong số đó, sẽ không thể không nhắc đến 200 Pounds Beauty (Sắc đẹp ngàn cân) làm rung chuyển phòng vé Hàn vào năm 2006 với doanh thu cao hơn mười lần so với kinh phí sản xuất.
Chính vì vậy, khi Mr. Go công chiếu, bộ phim nhận được rất nhiều sự mong đợi từ những người yêu điện ảnh. Đạo diễn Kim Yong Hwa là một người có phong cách làm phim theo đúng kiểu truyền thống của xứ sở kim chi: vô cùng cảm động nhưng cũng… hài nhảm hết mình. Khán giả khi xem phim sẽ được ông dẫn dắt qua nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, từ khóc đến cười, từ vui đến bực, từ yêu thương sang căm ghét, và dĩ nhiên, cái kết bao giờ cũng đầy cảm động và ấm áp.
Thứ hai: Mr. Go là bộ phim có cốt truyện vô cùng độc đáo. Nội dung phim dựa trên một tác phẩm truyện tranh của họa sĩ trẻ Huh Young-man, kể về một chú tinh tinh có khả năng chơi bóng chày. Chú tinh tinh này là một thành viên của đoàn xiếc do một cô bé tên là Triệu Vi Vi, 15 tuổi, làm chủ tại Trung Quốc. Từ bé, Linh Linh (tên chú tinh tinh) đã gắn bó với Vi Vi như hai người bạn thân thiết, thậm chí đã có lần từng cứu mạng cô bé. Vì rất mê bóng chày, Vi Vi đã dạy cho Linh Linh cách đánh bóng vô cùng chuẩn xác và đúng luật. Cũng nhờ khả năng này, Linh Linh rất nổi tiếng và được nhiều người biết đến.
Thật không may, đoàn xiếc của Vi Vi liên tục bị quấy rối bởi người của một công ty tài chính. Lý do là trước khi mất, ông của Vi Vi đã mắc một món nợ khổng lồ. Đòi tiền mãi không được, người của công ty tài chính đòi cô phải giao nộp Linh Linh để xóa nợ, nhưng dĩ nhiên, Vi Vi nhất quyết không chịu. Cùng lúc đó, tuyển trạch viên bóng chày đến từ Hàn Quốc Sung Chung Su đã đến thăm đoàn xiếc, ngỏ ý muốn mời Linh Linh sang nước mình thi đấu bóng chày. Vì muốn kiếm tiền trả nợ, Vi Vi đã đồng ý…
Liệu Linh Linh, sau khi đổi nghệ danh thành Mr. Go, có thực sự chơi được bóng chày một cách chuyên nghiệp trong giải nhà nghề không? Thú nuôi thuần dưỡng có thể thông minh như người không? Tất cả những câu hỏi này của bạn sẽ được giải đáp trong phần sau của bộ phim. Đạo diễn Kim Yong Hwa cũng từng tự hỏi bản thân câu đó, cho đến khi ông tình cờ xem được một đoạn clip ngắn trên YouTube về chú sư tử được thuần dưỡng có tên Christian. Chính đoạn clip này đã thôi thúc Kim Yong Hwa thực hiện bộ phim về Mr. Go.
Thứ ba: Mr. Go được xem là bộ phim 3D hoàn chỉnh đầu tiên của nền điện ảnh Hàn Quốc. Đồng thời, bộ phim cũng thuộc dạng “chơi trội” nhất trong khâu thực hiện kỹ xảo. Trong phim có đến hai chú tinh tinh và dĩ nhiên, cả hai chú tinh tinh này đều được tạo ra bằng máy tính, hoàn toàn không phải thật. Thế nhưng, khi xem phim, bạn sẽ vẫn không thể nào tin được chúng là đồ giả. Mọi chuyển động, từ ánh mắt, hơi thở, cách đánh bóng, cách chạy, cách biểu lộ cảm xúc của Linh Linh đều vô cùng chân thật.
Bộ phim có 2.000 cảnh quay thì đạo diễn Kim Yong Hwa đã dành hết 1.000 cảnh quay để đặc tả Linh Linh. Để thực hiện khâu kỹ xảo cho phim này, ê-kíp sản xuất đã cần đến 500 kỹ thuật viên làm việc miệt mài trong bốn năm trời. Trước khi phim ra mắt, nhà sản xuất đã đảm bảo với khán giả rằng 3,8 triệu sợi lông trên người Linh Linh đều được tách biệt và chuyển động mượt mà trước những cơn gió và quả thật họ đã không phụ lòng người hâm mộ. Nhân vật chính đầu tiên trên mản ảnh rộng Hàn Quốc được thực hiện hoàn toàn bằng kỹ xảo đã chinh phục người xem bằng độ sắc nét và chân thực tối đa. Điều này cũng một phần nhờ sự hợp tác của nhiều chuyên gia kỹ xảo từng có kinh nghiệm tại Hollywood.
Thứ tư: Ngoài nhân vật chính là một chú tinh tinh, Mr. Go cũng quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng trong đó Sung Dong Il là người thủ vai tuyển trạch viên bóng chày Sung Chung Su hay còn được gọi là kẻ săn tiền thưởng. Là gương mặt gạo cội trong làng giải trí Hàn Quốc, đồng thời cũng từng làm việc với đạo diễn Kim Yong Hwa trong hai phim trước, Sung Dong Il không hề tỏ ra nao núng trước vai thứ chính vui nhộn và nhiều cảm xúc này. Anh đã thể hiện rất xuất sắc tính hai mặt thú vị của nhân vật, vừa tham tiền, thực dụng lại vừa tình cảm, nhân ái. Sung Chung Su là một kiểu người không hoàn hảo nhưng rất đáng để kết bạn, mang lại cảm giác vui vẻ, an tâm cho người đối diện.
Điểm sáng thứ hai thuộc về cô bé Từ Kiều trong vai Triệu Vi Vi. Nếu là người yêu điện ảnh, hẳn bạn đã từng xem qua bộ phim CJ7 thú vị và hài hước do Châu Tinh Trì làm đạo diễn, viết kịch bản và thủ vai chính. Trong CJ7, Từ Kiều đã có vai diễn điện ảnh đầu tiên trong cuộc đời mình, một vai giả trai. Cô bé Từ Kiều ngày đó đã làm hàng nghìn khán giả rơi nước mắt tại phòng chiếu. Và giờ đây, với Mr. Go, Từ Kiều đã trở nên mạnh mẽ và cứng cáp hơn nhiều. Điểm mạnh của cô nàng diễn viên trẻ này vẫn là những phân đoạn đầy cảm xúc, cần có những dằn vặt nội tâm cao độ. Có thể nói, Từ Kiều khóc rất giỏi và khi cô bé khóc, hiếm ai có thể không rưng rưng theo. Ngoài ra, Từ Kiều cũng làm rất xuất sắc ở những phân đoạn cần có sự hồn nhiên, tinh nghịch.

Mời các bạn xem phim Mr. Go tại Bỏng Ngô